Sự phân bổ dòng tiền giữa các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ, tình hình kinh tế và mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Nhưng để nền kinh tế phát triển thì phải hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, qua đó đầu tư trở lại nền kinh tế.
Tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng tăng 6,63% so với cuối năm 2023, cách xa so với mục tiêu 15% cả năm 2024 mà NHNN đặt ra từ đầu năm. Ảnh minh họa: ST
Xu hướng dịch chuyển
Với những biến động trên thị trường, dòng tiền đầu tư đang có nhiều sự dịch chuyển để đa dạng hoá và lựa chọn kênh sinh lời hợp lý nhất. Như với chứng khoán, từ đầu năm đến nay, lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 7/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm. Tính đến ngày 26/8/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284,05 điểm, tăng 13,6% so với cuối năm 2023.
Với kênh vàng, giá vàng trong nước bình quân 8 tháng đầu năm 2024 đã tăng hơn 25,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng so với những năm trước, nhưng dòng tiền vào kênh này vẫn tương đối mạnh, chủ yếu do sự kỳ vọng vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Hơn nữa, nhìn vào báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 của các ngân hàng cho thấy, tín dụng vẫn đang đổ khá nhiều vào bất động sản. Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng 14% sau 6 tháng đầu năm 2024, đưa dư nợ này chiếm gần 34% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tại VPBank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 6 tháng năm 2024 tăng 22% so với cuối năm 2023, chiếm 22,5% tổng dư nợ cho vay. Tại một số ngân hàng khác tỷ lệ khá cao dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ như SHB, HDBank, Nam A Bank, MSB…
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% tổng tín dụng bất động sản.
Mặc dù có mức sinh lời thấp, nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục là điểm đến an toàn cho dòng tiền trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Mặc dù lãi suất tiền gửi giảm xuống mức trung bình 6-7%/năm, nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư vào các kênh có độ rủi ro cao hơn.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến 26/8/2024, huy động vốn tăng 2,76% so với cuối năm 2023. Nhiều dự báo cho rằng huy động vốn sẽ còn tăng khi lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ vào cuối năm 2024 để ngân hàng nâng cao thanh khoản cho tín dụng.
Dòng tiền “ngại” đi vào sản xuất
Tuy vậy, báo cáo của Bộ KHĐT đã chỉ ra thực trạng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, chỉ tiêu về quy mô vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp trong 2 năm gần đây giảm lần lượt từ 15 tỷ đồng về dưới 10 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm về dưới 9 tỷ đồng, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 8 tháng đầu năm trong 5 năm 2019-2023 (12,2 tỷ đồng). Điều này phản ánh tâm lý thận trọng hơn về kế hoạch đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc dòng tiền của doanh nghiệp “ngại” đổ vào sản xuất, kinh doanh còn phản ánh ở tốc độ tăng trưởng tín dụng. Bởi tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng tăng 6,63% so với cuối năm 2023, cách xa so với mục tiêu 15% cả năm 2024 mà NHNN đặt ra từ đầu năm.
Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, dòng vốn hiện nay gần như “kẹt cứng” khi 3 đầu ra lớn nhất của tín dụng là xuất khẩu, bất động sản, tiêu dùng còn nhiều khó khăn. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu đã có tín hiệu tích cực, song thị trường bất động sản vẫn đóng băng trong khi tài sản đảm bảo khi vay vốn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ yếu là bất động sản; người dân thắt chặt chi tiêu khiến lĩnh vực cho vay tiêu dùng khó tăng trưởng mạnh như các năm trước.
Cuối tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng những sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn… trong đó đẩy mạnh triển khai Chương trình gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản… |
Các chuyên gia cũng nêu, dòng tiền còn chậm đi vào sản xuất do những lo ngại về sự không chắc chắn trong triển vọng kinh doanh, khi các nhà sản xuất phải đối mặt với các thách thức như chi phí lao động tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và sức cạnh tranh từ các quốc gia khác… Ngoài ra, chia sẻ thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về các thủ tục vay vốn khi ngân hàng thương mại yêu cầu phải có thế chấp tài sản, cùng với đó là năng lực các doanh nghiệp còn yếu kém nên chưa đáp ứng được yêu cầu về phương án trả nợ của ngân hàng…
Phát biểu tại họp báo Chính phủ ngày 7/9/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản… đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng, nên điều quan trọng là phải đẩy mạnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, do đó cần nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, giải pháp hiệu quả để đưa dòng tiền vào lĩnh vực sản xuất là thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, chẳng hạn như cung cấp các gói vay với lãi suất thấp cho các lĩnh vực ưu tiên, các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…, ưu đãi thêm về thuế phí, tăng cường hợp tác công - tư để tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất và tuyển dụng thêm nhân lực… Hơn nữa, những chính sách về đầu tư vào hạ tầng giao thông và logistics là điều cần thiết, bởi không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước; đồng thời cần xây dựng, phát triển các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng đồng bộ, gia tăng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Hương Dịu (HQ Online)
Trong những bài viết, phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến việc đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặt ra yêu cầu về những “điểm nghẽn” của nền kinh tế phải nhanh chóng được tháo gỡ, tạo sự đổi mới và bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
- 23/10/2024
Ngày 17 tháng 9, Hội Đồng Nữ Doanh Nhân Quốc Tế - IWEC (Ai wếch) đã tổ chức thành công Hội nghị Triển khai Công việc Quý IV năm 2024 với sự tham gia của Ban Điều Hành, Ban Cố Vấn và các hội viên. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy sự phát triển của tổ chức trong giai đoạn mới.
- 19/09/2024
Theo tính toán, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10%, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại 3.664 tỷ đồng, doanh nghiệp càng áp lực hơn về tài chính, có thể gia tăng số lao động mất việc làm, giảm thu nhập.
- 19/07/2024
Việt Nam có triển vọng thu hút đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong, nhưng làm sao để biến cơ hội thành hiện thực? Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, bao gồm cả bằng tiền mặt, có thể là câu trả lời.
- 17/07/2024