Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp trọng điểm đang sử dụng 34% lượng điện tiêu thụ. EVN kêu gọi và phối hợp với các doanh nghiệp trọng điểm cùng vận hành đồng bộ để đảm bảo nguồn cung cầu điện.
Ông Võ Quang Lâm cho biết, để đảm bảo chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,4 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc tăng giá điện này.
“Theo tính toán của EVN, giá điện tăng 3% chỉ tác động hơn 0,1% tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước. Tăng giá điện sẽ tác động đến các ngành sử dụng nhiều điện như xi măng (0,45% chi phí tăng thêm), sắt thép (0,18% chi phi tăng thêm)”, ông Lâm cho biết.
Việc điều chỉnh 3% giá điện là cân nhắc rất kỹ của Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và người dân đang rất khó khăn thì từng doanh nghiệp, người dân cần chia sẻ với nhau những khó khăn để cùng đồng hành vượt qua. Phía EVN cũng bằng nỗ lực của mình để đảm bảo cung đủ điện.
EVN phối hợp với doanh nghiệp trọng điểm để đảm bảo nguồn cung cầu điện.
Ông Lâm cho biết, chi phí đầu vào lớn nhất hiện nay của ngành điện là chi phí nhiên liệu. Ngành điện đang phải bám sát diễn biến của giá nhiên liệu trên thế giới, tăng cường công tác dự báo, cân bằng mọi phía để đảm bảo có giá thấp nhất.
Việc dự báo được nhu cầu sử dụng điện cũng là việc rất khó vì liên quan đến sự bảo đảm thông tin kinh doanh của các doanh nghiệp. Quá trình trao đổi thông tin với các doanh nghiệp để doanh nghiệp cung cấp nhu cầu sử dụng điện của họ cho EVN không dễ dàng.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp trọng điểm đang sử dụng 34% lượng tiêu thụ điện. Chúng tôi kêu gọi và phối hợp với các doanh nghiệp trọng điểm này cùng vận hành cho đồng bộ nhu cầu về nguồn cung và nguồn cầu”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đối với điện gió, ông Lâm cho biết, có một vấn đề không phù hợp với nhu cầu là khi vào cao điểm mùa khô, cao điểm nắng nóng như hiện nay thì khả năng phát điện của gió là thấp nhất.
Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, trong trường hợp biến động giá thành cao hơn giá thành Chính phủ cho phép thì EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương để Bộ báo cáo với Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện. Bất cứ điều chỉnh nào về giá điện đều phải được phép của Chính phủ.
Hiện nay, Việt Nam có biên độ tăng giá điện kéo dài nhất. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã hơn 4 năm mới điều chỉnh giá điện (kể từ tháng 03/2019). Các nước trong khu vực đã điều chỉnh nhiều lần giá điện trong năm 2021, 2022. Mức độ điều chỉnh giá điện của Việt Nam cũng thấp nhất so với các nước trong khu vực.
Phó Tổng giám đốc EVN khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp để giảm chi phí giá thành về điện thông qua việc sử dụng điện tiết kiệm, khoa học. Đặc biệt là khi sử dụng điều hòa, người dân đặt nhiệt độ điều hòa không dưới 26 °C, khu vực chiếu sáng khu vực công cộng cần giảm bớt điện thắp sáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên…
Theo Hà Anh (Báo Doanh nghiệp VN)
Trong những bài viết, phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến việc đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặt ra yêu cầu về những “điểm nghẽn” của nền kinh tế phải nhanh chóng được tháo gỡ, tạo sự đổi mới và bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
- 23/10/2024
Ngày 17 tháng 9, Hội Đồng Nữ Doanh Nhân Quốc Tế - IWEC (Ai wếch) đã tổ chức thành công Hội nghị Triển khai Công việc Quý IV năm 2024 với sự tham gia của Ban Điều Hành, Ban Cố Vấn và các hội viên. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy sự phát triển của tổ chức trong giai đoạn mới.
- 19/09/2024
Sự phân bổ dòng tiền giữa các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ, tình hình kinh tế và mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Nhưng để nền kinh tế phát triển thì phải hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, qua đó đầu tư trở lại nền kinh tế.
- 12/09/2024
Theo tính toán, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10%, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại 3.664 tỷ đồng, doanh nghiệp càng áp lực hơn về tài chính, có thể gia tăng số lao động mất việc làm, giảm thu nhập.
- 19/07/2024