Khi gánh nặng ô nhiễm không khí đang từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của mỗi người dân, việc chuyển đổi các dòng phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường như xe điện là một trong những giải pháp căn cơ, mang ý nghĩa thực tiễn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Tuy nhiên phát triển thị trường xe điện không phải là bài toán đơn giản bởi đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất.
VinFast, nhà sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam, trong năm 2023 đã chính thức hoàn thiện dải sản phẩm xe điện ở nhiều phân khúc với VF 5, VF 6 và VF 7 và VF3 .
Nhanh, nóng, cạnh tranh khốc liệt
Nhìn thấy rõ xu thế, thời gian qua, hoạt động đầu tư, sản xuất ô tô điện của Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục, thần tốc với thương hiệu VinFast của Vingroup. Nếu năm 2020 các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất, lắp ráp ô tô hybrid, ô tô điện thì tới 2022 đã có 1.318 chiếc hybrid và 7.483 chiếc ô tô điện được đưa ra thị trường. Năm 2023 tiếp tục chứng kiến số lượng vượt trội khi 15.486 chiếc ô tô điện được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chỉ tính riêng quý 1/2024 đã có 7.195 chiếc ô tô điện trong nước được sản xuất, nâng tổng số xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước tính từ 2021 tới nay là 30.298 chiếc.
Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.
Có thể nói thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh với hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ đang tìm kiếm cơ hội. Chính vì vậy dù có ưu thế, song sản xuất ô tô điện trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu đến từ nước ngoài.
Ở phân khúc xe cao cấp, các thương hiệu danh tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Porsche, Audi, Volvo… đều nhanh chóng lần lượt giới thiệu danh mục xe điện tại Việt Nam.
Ở phân khúc xe phổ thông, chỉ trong tháng 6/2024, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện như “cơn lốc” của các thương hiệu xe đến từ Trung Quốc với các mẫu xe có tốc độ tăng trưởng nhanh, bán chạy trên thế giới.
Đáng kể đến đó là sự xuất hiện của thương hiệu đứng đầu thế giới về năng lượng mới là BYD. Trước đó, BYD đã rất thành công khi xâm nhập thị trường Thái Lan với các mẫu xe BYD Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal và đều nằm trong nhóm 10 ô tô thuần điện bán chạy nhất thị trường này (năm 2023, có 30.650 xe điện của BYD được khách hàng Thái Lan tiêu thụ).
Đặt chân vào Việt Nam, với ưu thế về công nghệ, nền tảng vững về kinh tế, sự nổi tiếng về thương hiệu, hãng xe đến từ Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch rầm rộ cho khách hàng hiểu về thương hiệu và trải nghiệm thoải mái về sản phẩm cũng như sự hứa hẹn về một mức giá hấp dẫn.
Một tên tuổi khác về xe điện tại Trung Quốc là Tập đoàn Chery đã có những bước đi thăm dò rất kỹ thị trường Việt Nam cũng như kế hoạch xây dựng nhà máy. Liên doanh Geleximco và Công ty TNHH Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) công bố kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe mỗi năm. Trước khi nhà máy hoàn thành (vào năm 2026), Omoda & Jaecoo sẽ nhập khẩu các mẫu xe thuần điện crossover Suv Omoda E5 và mẫu xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev từ Indonesia để hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu nội khối (AFTA).
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu như năm 2020 chỉ có 6 chiếc ô tô điện nhập khẩu vào Việt Nam (xe hybrid là 894 xe), năm 2021 là 33 xe; năm 2022 là 113 xe thì chỉ riêng quý 1/2024 số lượng xe điện NK vào Việt Nam đã là 366 chiếc. Và với sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu xe Trung Quốc, dự báo số lượng xe điện nhập khẩu sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2024.
Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo: Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Thị trường xe điện tại Việt Nam đang ngày càng sôi động khi có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn với các chính sách thúc đẩy bán hàng từ phân khúc xe cao cấp đến phân khúc phổ thông.
Xanh và bền vững
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: việc chuyển đổi các dòng phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp căn cơ, mang ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Ủng hộ sản xuất ô tô trong nước với xu thế phát triển xanh và bền vững là chủ trương nhất quán của Chính phủ từ nhiều năm nay. Ông Dương Bá Hải, Phó trưởng phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính) cho biết: Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Đáng chú ý, chính sách ưu đãi với các dòng xe điện thân thiện với môi trường khá nổi bật. Theo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành, xe ô tô chạy bằng điện (trong đó có xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời...) có thuế suất thuế TTĐB từ 5 - 15%.
Đối với lệ phí trước bạ, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chạy pin là 0%. Trong 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Về phía doanh nghiệp, cho dù xác định đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất, song Vingroup đã thể hiện rất rõ quyết tâm đẩy nhanh lộ trình phát triển xe điện mang thương hiệu Vinfast và kiên định với lựa chọn này.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết: trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe và tương lai của nhân loại, xe điện được cả thế giới đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp làm giảm phát thải CO2 cho một tương lai xanh hơn và bền vững hơn.
"Mong muốn của chúng tôi là xây dựng càng sớm càng tốt nền móng vững chắc cho một Việt Nam xanh của hiện tại và tương lai, đồng thời đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế", ông Quang khẳng định.
Tuy đã có bước phát triển nhanh, vững chắc, song VinFast không khỏi gặp khó khăn khi quy mô thị trường còn khá nhỏ, lại liên tục xuất hiện các đối thủ cạnh tranh đáng gờm, đặc biệt là các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Nhiều nỗi lo
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện.
Việc chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Để chuẩn bị cho hạ tầng xe điện, Cục Đường bộ Việt Nam đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm.
Sự phát triển nhanh của xe điện đòi hỏi bài toán đồng bộ hạ tầng trạm sạc. Hiện nay, ngoài VinFast đầu tư riêng hệ thống trạm sạc thông qua VGREEN (hãng đã quy hoạch 150.000 cổng sạc phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành) thì cũng đã xuất hiện bên thứ 3 cung cấp dịch vụ sạc như công ty EV One (đã hoàn tất triển khai hơn 20 trạm sạc trên cả nước và mục tiêu sẽ phát triển hơn 100 trạm sạc vào năm 2025).
Tuy nhiên hiện các thương hiệu nhập khẩu và phân phối xe điện tại thị trường Việt Nam lại chưa triển khai cụ thể việc xây dựng hệ thống trạm sạc mà chủ yếu “trông” vào bên thứ 3 hoặc giải pháp tự sạc tại nhà (vốn không thuận tiện cũng như chưa đảm bảo yếu tố an toàn). Thậm chí có hãng xe điện, như Wuling, còn xem những ổ điện dân dụng là “trạm sạc” đương nhiên của sản phẩm Wuling Mini EV mà không tính tới yếu tố an toàn cháy nổ, cũng như hệ thống lưới điện dân dụng.
“Cơn lốc” xe điện Trung Quốc sắp tràn vào Việt Nam cũng đặt ra sự lo ngại về chất lượng xe, an toàn vận hành. Đơn cử như thời gian gần đây, BYD liên tục vướng vào nhiều lùm xùm về chất lượng xe tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Tại Thái Lan, nhiều người dùng đã khiếu nại về hiện tượng bong tróc sơn và nhựa, thậm chí không ít vụ việc xe BYD bốc khói khi đang sạc… Ở Israel, các dòng xe thương hiệu Trung Quốc này cũng liên tục mắc các lỗi cong vênh giá nóc khi chất đồ, nấm mốc bên trong khoang nội thất… Hay như mới đây một mẫu xe của thương hiệu Omoda & Jaecoo đã gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn tại Malaysia.
Mặt khác xe điện cũng đặt ra một vấn đề lớn liên quan đến môi trường trong việc xử lý pin hết hạn sử dụng. Ý kiến một chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng: Một viên pin tiêu chuẩn dành cho xe điện được có niên hạn khoảng 8 năm. Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể quy định xử lý pin xe điện. Trong vòng 4 hoặc 5 năm tới xe điện nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam với chất lượng không được kiểm soát và tuổi thọ ngắn sẽ dẫn đến mối nguy họa cho môi trường từ khối lượng pin hết hạn sử dụng.
Thực tế cho thấy "bức tranh" phát triển ô tô điện tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh kết quả về đầu tư, tăng trưởng, đã và đang bộc lộ không ít nỗi lo về bài toán phát triển xanh, phát triển bền vững.
Theo Hà Phương (HQOnline)
Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi các chính sách quan trọng như Nghị định 80/2024, 135/2024 và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) ra đời. Nhưng liệu chúng có thể đảm bảo năng lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững?
- 20/11/2024
Tối 21/9, tại TP HCM đã diễn ra lễ khai mạc Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh TPHCM lần 2 – 2024 (GRECO 2024).
- 22/09/2024
Microsoft đang đón đầu nhu cầu ngày càng tăng về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Nam Á, khi Giám đốc điều hành Satya Nadella đến thăm Indonesia, Thái Lan và Malaysia và công bố kế hoạch đầu tư và phát triển AI tại đây.
- 13/05/2024
Startup edtech (công nghệ giáo dục) Việt Nam đang không ngừng hút vốn đầu tư, bất chấp những tín hiệu ảm đạm của thị trường gọi vốn toàn cầu.
- 08/05/2024