Thế giới đang đối mặt với một viễn cảnh đáng lo ngại khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp.
Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể yếu kéo dài.
Cụ thể bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,2% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% từ đầu thế kỷ cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng trung hạn của IMF tiếp tục ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Trên thực tế, nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trước một loạt cú sốc, không rơi vào suy thoái kinh tế như một số người dự đoán, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, phân tích mới nhất của IMF cho thấy các giai đoạn trì trệ kéo dài 4 năm hoặc lâu hơn có xu hướng đẩy tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các quốc gia lên gần 20% - cao hơn đáng kể so với mức tăng khoảng cách do suy thoái kinh tế toàn diện.
Trong thời kỳ trì trệ, quá trình tạo việc làm chậm và tăng trưởng tiền lương sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp cơ cấu và giảm thu nhập của người lao động. Điều này có xu hướng làm gia tăng khoảng cách giữa những người ở tốp trên và những người ở tốp dưới trong thang thu nhập. Nói cách khác, càng bị mắc kẹt trong một môi trường tăng trưởng thấp thì thế giới sẽ càng trở nên bất bình đẳng hơn. Đây cũng là lý do mà nước chủ nhà Brazil đã đưa nội dung chống lại tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào chương trình nghị sự.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng thế giới vẫn có thể thoát khỏi bẫy tăng trưởng thấp, bất bình đẳng gia tăng, đồng thời nỗ lực giảm nghèo đói khi tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên sau.
Trước hết, thế giới cần giải quyết vấn đề cơ bản là tăng trưởng chậm. Hầu hết sự suy giảm tăng trưởng trong những thập niên gần đây là do năng suất sụt giảm do lực lượng lao động giảm. Các biện pháp thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính có thể khiến những nguồn lực được luân chuyển hiệu quả hơn từ đó thúc đẩy năng suất. Trong khi đó, việc đưa nhiều người hơn vào lực lượng lao động, chẳng hạn như phụ nữ, có thể chống lại lực cản tăng trưởng do dân số già hóa.
Bên cạnh đó, các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng chính sách tài chính hỗ trợ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Thách thức là nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng. Ở các nước đang phát triển, chi phí trả nợ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong doanh thu thuế vào thời điểm họ phải giải quyết danh sách nhu cầu chi tiêu đang phình to, từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đến chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của IMF, có nhiều cơ hội để các nước đang phát triển tăng thêm doanh thu thông qua cải cách thuế, lên tới 9% GDP. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực hiện một cách tiếp cận tiến bộ, có nghĩa là đảm bảo những người có đủ khả năng đóng thuế nhiều hơn sẽ đóng góp phần công bằng của họ.
Ngoài ra, thế giới cần một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu vững chắc cho những quốc gia cần hỗ trợ. Có như vậy kinh tế thế giới mới có thể phát triển ổn định.
Theo Ngọc Hà (Theo HQ Online)
Vàng đang ở "chu kỳ tăng giá mới" sau khi lập đỉnh giá, đại diện công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management nhận định và đồng tình với các nhà phân tích khác rằng vàng miếng sẽ tiếp tục lập các kỷ lục giá mới.
- 23/10/2024
Tuần này, các quan chức tài chính hàng đầu sẽ tụ họp tại Washington trong lúc bất ổn chiến sự ở Trung Đông và châu Âu, kinh tế Trung Quốc chững lại, cùng với khả năng kết quả bầu cử Mỹ có thể châm ngòi cho cuộc thương chiến mới.
- 23/10/2024
Kết quả thăm dò được công bố ngày 23/9 chỉ rõ Đức và Pháp - 2 nền kinh tế nhất nhì Eurozone - là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế khu vực sụt giảm mạnh.
- 24/09/2024
Các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ có lý do mới để tin vào đà tăng trưởng vững chắc hơn trong năm tới, nếu một số dự báo "bi quan" nhất về thị trường dầu mỏ thành hiện thực.
- 12/09/2024