Dự án hợp tác “Nâng cao năng lực về thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ sẽ giúp thể chế về thị trường chứng khoán sẽ ngày càng hoàn thiện nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Hội thảo khởi động Dự án Hợp tác kỹ thuật “Nâng cao năng lực về thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.
Tại Hội thảo khởi động Dự án Hợp tác kỹ thuật “Nâng cao năng lực về thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam” tổ chức ngày 23/9, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy các sáng kiến chung, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao tính công bằng, minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Nhật Bản, JICA tiếp tục hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển ngành, giúp UBCKNN tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu "bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường”.
Chủ tịch UBCKNN cho biết, thông qua Dự án hợp tác “Nâng cao năng lực về thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam”, hi vọng thể chế về thị trường chứng khoán, bao gồm các quy định, về quản lý niêm yết, phát hành, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sẽ ngày càng hoàn thiện.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo.
Dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam” là Dự án tiếp nối của Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” được JICA thực hiện từ năm 2019 đến 2023.
Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh thực hiện “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ quan có liên quan và nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững cả về mặt kinh tế và xã hội của nền kinh tế.
Dự án lần này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường ASEAN và quốc tế.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi và thảo luận về kế hoạch thực hiện Dự án, giải pháp đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm về đích theo Chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra.
Ông Kawasaki Satoru, Phó Cao ủy viên Phụ trách các vấn đề Quốc tế, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) cho biết, năm 1990 Nhật Bản đã từng trải qua đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng. Sau đó, công cuộc xử lý nợ xấu, khủng hoảng kinh tế đã phải kéo dài trong 15 năm. Đến nay, sau 30 năm, Nhật Bản đã hoàn toàn thoát khỏi giảm phát và bước vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.
Đồng thời khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam có hướng đi đúng đắn trong công cuộc phát triển kinh tế nói chung, phát triển thị trường chứng khoán nói riêng một cách bền vững, an toàn và minh bạch.
Chuyên gia của Nhật Bản cho biết, qua nhiều hoạt động như tư vấn chặt chẽ, xây dựng năng lực về nhiều vấn đề liên quan, Dự án hợp tác kỹ thuật lần này nhằm mục đích nâng cao năng lực của UBCKNN và 3 Sở Giao dịch chứng khoán tại Hà Nội và TPHCM.
Dự án tập trung vào giám sát và thanh tra thị trường chứng khoán, giám sát các trung gian thị trường, quản lý niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng theo chuẩn quốc tế và nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư của công ty niêm yết.
Khẳng định việc khởi động Dự án lần này có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng, các chuyên gia JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam rà soát và góp ý hoàn thiện về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan.
Đại diện UBCKNN cũng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính, UBCKNN đang trình Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP nhằm cải thiện và tăng cường năng lực của các công ty chứng khoán, gia tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát thị trường.
Cũng tại hội thảo, thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN cho biết, tính đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (tương đương 280 tỷ USD), tăng 19,1% so với cuối năm 2023, tương đương 69,2% GDP ước tính năm 2023.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 728 cổ phiếu niêm yết và 878 cổ phiếu trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt 2.246 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường.
Trong 8 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1 tỷ USD, tăng 31,3% so với bình quân năm trước.
Theo Hoài Anh (HQ Online)
Tại Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" tổ chức ngày 23/9, đại diện Tổng cục Thuế cho biết ngành Thuế đã có 7 giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
- 24/09/2024
Cuộc họp ngày 19/9 tới dự kiến đánh dấu cú đảo chiều chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy vậy, dòng tiền trở lại chứng khoán Việt Nam vẫn là điều còn bỏ ngỏ, nhất là trong xu hướng đi xuống của thị trường các tháng gần đây.
- 12/09/2024
Mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên lên thị trường chứng khoán Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ.
- 12/09/2024
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các biện pháp bao gồm can thiệp trên thị trường ngoại hối và thắt chặt thanh khoản nhằm giảm áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam.
- 30/08/2024