Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về 30.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, góp phần giảm áp lực tỷ giá. Đây chỉ là một trong những động thái của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại hối, góp phần hỗ trợ kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Tỷ giá đang đứng trước nhiều áp lực nhưng chỉ mang tính thời điểm. Ảnh: ST
Tính toán để tăng cạnh tranh cho xuất khẩu
Khác với những năm trước, từ những ngày đầu năm 2024, diễn biến tỷ giá tại thị trường thế giới và trong nước đã biến động khá mạnh.
Tính đến phiên ngày 18/3, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng từ mốc 101 điểm hồi đầu năm 2024 lên quanh mức 103,5 điểm. Tại các ngân hàng thương mại, thời điểm đầu năm 2024, tỷ giá được niêm yết quanh mức 24.200 VND/USD chiều bán ra nhưng đến nay đã tăng lên khoảng 24.900 VND/USD, tức là đã tăng khoảng 2,8%. Nhưng diễn biến đáng lưu ý là tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng mạnh, từ mức dưới 25.000 VND/USD lên mức quanh 25.650 VND/USD.
Theo nhiều dự báo, sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, khiến tỷ giá trong nước đứng trước nhiều áp lực. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán PHS dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến hồi đầu năm nay, khiến mức lãi suất USD dự kiến ở mức cao cho tới giữa năm. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD âm sâu kéo dài. Nên các chuyên gia này nhận định, tỷ giá vẫn có nhiều áp lực trong ít nhất đến hết quý 1/2024.
Trong khi đó, giữa biến động tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu luôn có một sợi dây liên kết rất chặt chẽ. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh, kim ngạch tăng trưởng ở mức cao thì biến động của tỷ giá là mối quan tâm rất lớn.
Từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, có nguồn ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu.
Chia sẻ tại hội nghị về chính sách tiền tệ mới đây, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, là doanh nghiệp lớn nên chỉ 1% thay đổi tỷ giá cũng khiến doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng/năm, nếu tỷ giá thay đổi 5% thì tăng lên 1.500 tỷ đồng.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng nêu, dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD, nên biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khó khăn của doanh nghiệp trước biến động tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ PMA cho biết, nếu như vào cuối năm 2020, 1 Yên Nhật có giá trị tương đương 220 VND thì hiện nay chỉ còn ở quanh mức 165 VND/Yên. Trong khi doanh nghiệp giao dịch với đối tác Nhật Bản chủ yếu bằng tiền Yên, nên khi quy đổi về doanh thu sang VND, vị giám đốc PMA đã “thở dài” về sự mất giá và giảm lợi nhuận rất mạnh.
Nhưng bên cạnh đó, lại có ý kiến cho rằng, mức giảm giá vừa phải của VND so với USD sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam.
Khi so sánh tương quan tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ tại Top 5 thị trường xuất khẩu dệt may thế giới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023, 4 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh nhất tới 50%, Bangladesh giảm 21%, Trung Quốc giảm 11%... trong khi Việt Nam giảm khoảng 3%. Vì thế, ông Trường nhấn mạnh, đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trên khoảng 15%, khiến xuất khẩu dệt may giảm đến 10% và giảm nhiều nhất trong top 5 thị trường.
Với thực trạng như trên, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh của hàng nội địa trong nước bằng cách làm cho tỷ giá tiền đồng mất giá ở mức phù hợp. Nếu giữ tiền đồng ở mức cứng nhắc thì có thể khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia trong khu vực. Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng, chính sách tỷ giá hối đoái nên linh hoạt, không neo cố định mà có thể dao động trong một khoảng nhất định để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Điều hành phù hợp và chủ động
Dù thị trường ngoại hối có thời điểm xảy ra biến động mạnh song nhìn chung giá trị của VND vẫn khá mạnh và duy trì ổn định hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringgit của Malaysia, đồng Won của Hàn Quốc… Trong các báo cáo của mình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn khẳng định đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Tuy vậy, vấn đề gần đây của ngành ngân hàng là phải giải quyết bài toán lãi suất, nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nhưng việc chuyển hướng chính sách tiền tệ sang “linh hoạt, nới lỏng” cũng là sự đánh đổi của NHNN, bởi sẽ tạo thêm áp lực lên tỷ giá khi lãi suất VND và USD ở mức âm.
Nhưng thời gian qua, mỗi khi thị trường ngoại hối trong nước có những biến động mạnh, không ít chuyên gia vẫn “bình tĩnh” khi cho rằng, NHNN có đủ công cụ để can thiệp khi cần thiết, nhất là nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Dự trữ ngoại hối năm 2023 của Việt Nam được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 17-18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là trên 12 tuần nhập khẩu). Cùng với đó là nguồn cung ngoại tệ lớn nhờ Kiều hối, du lịch quốc tế phục hồi mạnh, thặng dư thương mại và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt mức cao.
Ngoài ra, NHNN cũng liên tục có hoạt động bơm – hút tiền trên thị trường mở (OMO) nhằm điều tiết thanh khoản, hỗ trợ giảm áp lực lên tỷ giá. Mới đây, NHNN đã hút về gần 30.000 tỷ đồng trên OMO, được đánh giá là giúp điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.
Còn trong hoạt động doanh nghiệp, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất… để có thể lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Theo Bình Nam (HQ Online)
Các ngân hàng thương mại kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Theo phản ánh của các ngân hàng, việc khoanh nợ không đơn giản do thủ tục phức tạp, kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ.
- 24/09/2024
Khác với xu hướng ngược pha thời gian gần đây, USD và vàng cùng đi lên. Vàng xác lập đỉnh giá mới. Chỉ số DXY tiến sát mốc 101 điểm chủ yếu do đồng euro giảm sau số liệu PMI không mấy tích cực của khu vực này.
- 24/09/2024
Tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng, lãi suất tiết kiệm nhích lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp hạ lãi suất điều hành… Rất nhiều biến số vĩ mô thay đổi đang tác động đến các kênh đầu tư và dòng chảy vốn.
- 30/08/2024
Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo từ đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.
- 30/08/2024