Sau giai đoạn "phòng thủ" đầy thận trọng, thị trường bất động sản đang dần chuyển mình sang giai đoạn "tấn công" với nhiều điểm sáng đáng chú ý…
Dự án NovaWorld Phan Thiết sẽ bàn giao 1.200 sản phẩm trong 5 tháng tới Ảnh: Gia Huy
Khởi sắc nhờ chính sách
Thị trường bất động sản năm 2024 đã đi qua nửa chặng đường với nhiều chuyển động. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong điều hành thị trường thông qua việc ban hành nhiều chính sách, nghị định, nghị quyết... nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, thị trường có những tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của các chủ đầu tư, môi giới và khách hàng. Cụ thể, chủ đầu tư tăng tốc công bố các dự án mới, đa dạng về phân khúc và vị trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Môi giới tăng cường liên minh, liên kết để đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mang đến những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Khách hàng cũng dần quay trở lại thị trường với tâm lý tích cực hơn, tìm kiếm cơ hội đầu tư và an cư.
Là người thường xuyên theo dõi và nghiên cứu thị trường, TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính - Bất động sản của Dat Xanh Services (FERI) dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng và tỷ lệ hấp thụ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tạo nên các kịch bản khác nhau.
“Dù còn nhiều thách thức, nhưng cơ hội vẫn rộng mở cho những ai đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng nắm bắt thời cơ. Có thể nói rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có một ‘khúc giao mùa’ mở đầu cho một chu kỳ phát triển mới, ổn định hơn, bền vững hơn”, TS. Phạm Anh Khôi nói.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, còn khá sớm để kết luận thị trường đã phục hồi, vì việc phục hồi cần có thời gian và lộ trình, muốn nhanh và sớm cũng không thể gấp hơn được. Tuy nhiên, với những diễn biến đang dần tích cực, hoàn toàn có thể tin rằng, bất động sản đã đi qua vùng đáy chữ U và đang có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ từ năm 2024, hướng đến việc
phát triển khả quan hơn từ năm 2025 và phục hồi vào năm 2026.
“Từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản vẫn đang thăm dò, người mua ưu tiên các yếu tố chắc chắn như phục vụ nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có chính sách hỗ trợ tài chính tốt, lợi suất cho thuê ổn định và tối ưu các loại chi phí”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam nhận định.
Bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng
Bên cạnh những nhận định chung về toàn cảnh thị trường, các chuyên gia cho rằng, mỗi phân khúc đều có những chuyển động nhất định. Song phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam. Điển hình, Taseco Land (TAL) đặt mục tiêu phát triển 5 khu công nghiệp mới với quy mô hơn 1.000 ha trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại chiếm tới 75% thị phần nhà kho xây sẵn tại Việt Nam… “Đường đua” làm bất động sản công nghiệp trong nước cũng đang “nóng” khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp vốn mạnh về xây dựng khu đô thị, nhà ở đã xoay trục về bất động sản công nghiệp.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng (DIC Corp) đang để ý 4 khu đất phát triển khu công nghiệp với quy mô trên dưới 2.000 ha. Mới đây, DIC Holdings (thành viên của DIC Corp) đã hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Sai lầm lớn của tôi là chỉ phát triển khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp và làm mất một khoản thu rất lớn. Hiện tại là thời điểm đầu tư khu công nghiệp sinh thái, nếu không sẽ bị lạc hậu”, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp chia sẻ.
Tương tự, Tập đoàn Hà Đô cũng tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, mở đầu tại tỉnh Ninh Thuận. Đầu năm nay, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư 2 cụm công nghiệp 100 ha gần Khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo. Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô từng nhận định, bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của Tập đoàn trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài thế mạnh phát triển nhà ở, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng làm nóng “đường đua” làm bất động sản công nghiệp với Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP.HCM. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để Dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.
Từ những chuyển động trên, ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng FERI dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
“Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng của ngành khi kinh tế vĩ mô khởi sắc hơn, nhu cầu thuê và nguồn cung mới đều có sự tăng trưởng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất vẫn liên tục tăng trưởng. Nguồn cung được dự báo tăng trưởng nhẹ trong ngắn hạn và tăng đáng kể trong dài hạn khi nhiều diện tích đất công nghiệp mới được quy hoạch”, chuyên gia FERI nhận định.
Theo Việt Dũng (Báo Đầu tư)
Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã tham gia đầu tư vào các dự án bất động sản lớn tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương…, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường.
- 23/10/2024
Nhận định về thị trường bất động sản Thủ đô dịp cuối năm, giới quan sát cho rằng, chung cư vẫn là phân khúc dẫn dắt dòng tiền. Bên cạnh đó, các loại hình thiên về đầu tư như đất nền sẽ sớm hồi sinh trở lại.
- 24/09/2024
Doanh nghiệp có dự án, nhưng thiếu nguồn tiền và doanh nghiệp có nguồn tiền, có kinh nghiệm phát triển dự án, nhưng không có dự án đang tìm kiếm nhau để “về chung một nhà” ngày càng nhiều.
- 12/09/2024
Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, yếu tố liên quan đến dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó.
- 30/08/2024