Sáng mai (14/5), NHNN tiếp tục đấu thầu vàng miếng với giá tham chiếu tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng mua vào của các doanh nghiệp trên thị trường hôm nay.
Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày 14/5.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào của doanh nghiệp trên thị trường hôm nay.
Thay đổi đáng chú ý nhất của phiên đấu thầu ngày mai là khối lượng đấu thầu tối thiểu giảm xuống còn 5 lô, tương đương 500 lượng, giảm 200 lượng so với phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 8/5 khối lượng đấu thầu tối thiểu 700 lượng). Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên đặt phép đặt thấu tăng mạnh từ 20 lô (2.000 lượng) lên 40 lô (4.000 lượng).
Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giá đấu thầu hiện nay cũng quá cao, không thể đạt được mục đích kéo giảm chênh lệch giá vàng. Với giá vàng đấu thầu cao như hiện nay, doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.
Chưa kể, việc các phiên đấu thầu vàng liên tiếp phải hủy hoặc trúng thầu với tỷ lệ thấp khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng, khiến chênh lệch giá vàng càng tăng mạnh.
“Đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng cho rằng, đấu thầu vàng không cẩn thận sẽ gây ra tác dụng ngược.
Giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu mà NHNN đưa ra cũng cao hơn giá vàng trên thị trường, nên kết quả trúng thầu thấp, lượng vàng đưa ra thị trường ít, khó đáp ứng được nguồn cung. Từ đó, tạo tâm lý thị trường càng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, khiến nhiều người chưa mua được vàng đứng ngồi không yên. Không loại trừ việc một số người đã rút tiền mua vàng, song để mua được lượng vàng miếng SJC lớn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ. Bởi cung vàng SJC trên thị trường khan hiếm, ít người bán, nên doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không còn nhiều hàng để đáp ứng hết cầu vàng miếng SJC của khách hàng.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 213/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành theo quy định pháp luật để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn hoạt động của thị trường vàng.
Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
NHNN khẩn trương thực hiện ngay việc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2012, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2024, không để chậm trễ hơn nữa.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
NHNN tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2012 để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tiễn, đúng quy định pháp luật, có công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, hiệu lực đối với thị trường vàng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần, kiên quyết không để chậm trễ, hoàn thành chậm nhất trong quý 2 năm 2024…
Theo T.L (Báo Đầu tư)
Các ngân hàng thương mại kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Theo phản ánh của các ngân hàng, việc khoanh nợ không đơn giản do thủ tục phức tạp, kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ.
- 24/09/2024
Khác với xu hướng ngược pha thời gian gần đây, USD và vàng cùng đi lên. Vàng xác lập đỉnh giá mới. Chỉ số DXY tiến sát mốc 101 điểm chủ yếu do đồng euro giảm sau số liệu PMI không mấy tích cực của khu vực này.
- 24/09/2024
Tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng, lãi suất tiết kiệm nhích lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp hạ lãi suất điều hành… Rất nhiều biến số vĩ mô thay đổi đang tác động đến các kênh đầu tư và dòng chảy vốn.
- 30/08/2024
Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo từ đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.
- 30/08/2024