Các thị trường tài chính toàn cầu phiên ngày 1/3 đều tăng điểm tốt sau khi đón nhận thông tin Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, song tác động của xu hướng này với thế giới sẽ không đồng đều.
Sau một năm đầy thách thức, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19 chắc chắn sẽ giải phóng nhu cầu hộ gia đình bị dồn nén và khoản tiết kiệm được tích lũy trong giai đoạn đại dịch. Du lịch, khách sạn và các dịch vụ khác dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế trong những tháng và quý tới. Hoạt động xây dựng nhà ở tại Trung Quốc có thể chứng kiến một cú hích khi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát tài chính đối với các nhà phát triển bất động sản. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ giúp hồi phục đà tăng trưởng của Trung Quốc.
Khi phân tích bản chất sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, có thể thấy lĩnh vực dịch vụ đang hồi sinh mang lại tin tốt cho các doanh nghiệp địa phương và người tìm việc. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế sẽ chủ yếu đến từ nhu cầu trong nước, với các hộ gia đình chi tiền nhiều hơn để đến nhà hàng ăn uống, giải trí và du lịch, thay vì mua sắm đồ điện tử, ô tô, đồ chơi và hàng nội thất như trong thời gian dịch bệnh. Do đó, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ có tác động không quá nhiều đối với các nhà sản xuất nước ngoài, mà tập trung nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ của các công ty địa phương.
Tin tốt là dòng khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp tăng nhu cầu ở các thị trường nước ngoài. Năm 2019, du khách Trung Quốc đã thực hiện khoảng 155 triệu chuyến du lịch nước ngoài, lấp đầy các khách sạn và phòng chờ của hãng hàng không, các bãi biển và trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, tác động kinh tế sẽ không đồng đều. Chi tiêu của khách Trung Quốc sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, Malaysia và Singapore tăng lên đáng kể. Ngược lại, dù du khách Trung Quốc được Nhật Bản và Hàn Quốc rất chào đón, nhưng tác động sẽ chỉ ở mức dưới 1% GDP, hầu như không đủ để bù đắp tác động của tình trạng xuất khẩu chậm lại. Pháp, Mỹ hay Canada cũng sẽ ghi nhận tình trạng tương tự.
Là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn ở Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao. Đó sẽ là tin mừng đối với các nhà xuất khẩu như Indonesia và Australia cũng như các nền kinh tế ở châu Phi và Mỹ Latinh đang phát triển mạnh khi giá trị xuất khẩu quặng sắt, dầu cọ và đồng tăng cao. Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn có thể chứng kiến sức mua giảm trong khi các ngân hàng trung ương duy trì lập trường “diều hâu” do áp lực giá cả.
Nhìn chung, sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc sẽ gây ra nhiều thách thức, như chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô đắt đỏ sẽ tăng cao, trong khi số lượng khách du lịch Trung Quốc cũng như khối lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn lực cản này. Do đó, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ không phải là “phương thuốc” cho tất cả những “căn bệnh” đang làm suy yếu các nền kinh tế trên thế giới.
(Theo Đ.A - Hải quan Online)
Hoạt động kinh doanh ở Mỹ, Eurozone và Vương quốc Anh đều tiến triển tích cực trong tháng 2/2023, một động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
- 25/02/2023
Những tháng tới sẽ xác định xem liệu kinh tế Nga có đứng vững trước các biện pháp trừng phạt mới và Moscow sẽ tiếp tục đổ tiền vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong bao lâu.
Đào Thị Huyền Trang - 18/02/2023
Các nhà đầu tư tổ chức đang rót tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi ở mức gần kỷ lục. Vậy đã tới lúc nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường này hay chưa?
Nguyễn Thị Bích Thảo - 18/02/2023